Quy hoạch điện 8 - Ưu tiên cân đối nội vùng

06:07 06/10/2021

Việc đầu tư nguồn điện thời gian tới sẽ theo quan điểm vùng nào tự chủ cao nhất lượng điện của vùng đó. Đây là điều các nhà đầu tư phải đặc biệt lưu ý khi quyết định một dự án điện trong giai đoạn tới.

Vùng nào tự cân đối điện vùng đó

"Quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ Công Thương tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này", đây là dòng chữ được Bộ Công Thương "tô đậm" trong những thông tin phát đi về việc xây dựng dự thảo quy hoạch điện 8.

Trong Đề án quy hoạch điện 8 cập nhật, đơn vị tư vấn là Viện Năng lượng cũng liên tục lặp lại chủ trương này, không phát triển thêm lưới điện truyền tải liên miền đến năm 2045 ngoài các công trình dự kiến trong quy hoạch điện 7 điều chỉnh.

Điều này hiểu nôm na, việc đầu tư nguồn điện thời gian tới sẽ theo quan điểm vùng nào tự chủ cao nhất lượng điện của vùng đó.


Đầu tư điện mặt trời đã tăng nóng thời gian qua. Ảnh: Lương Bằng

Quan điểm mới này sẽ tác động đáng kể đến việc xây dựng các nguồn điện trong giai đoạn tới và là điều nhiều nhà đầu tư phải lưu ý.

Một nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chia sẻ: Nếu không tăng đường dây 500kV liên miền, thì miền Bắc phải tăng nhiệt điện than, giảm năng lượng tái tạo và Bộ Công Thương phải đưa điện gió ngoài khơi ra sau năm 2030.

“Hệ thống điện tốt phải kết nối mạch vòng trên toàn quốc và sau đó mở rộng ra cả ASEAN. Cân đối nội vùng là đi ngược xu thế”, vị này cho biết. “Hệ thống điện như hệ thống sông ngòi, thông với nhau thì mới tốt, nếu không sẽ thành ao tù, thừa chỗ này nó sẽ tự động chảy vào chỗ kia. Quá tải điện mặt trời vừa qua cũng là do lưới chưa đáp ứng dẫn đến quá tải cục bộ”.

Song, chia sẻ với phóng viên, nguyên lãnh đạo một đơn vị truyền tải cho rằng việc này không hẳn là “đi ngược xu thế”.

Vị này lý giải: Có lẽ các đơn vị tư vấn đã có sự tính toán khi đưa ra quyết định này. Bởi lẽ, bần cùng bất đắc dĩ mới phải truyền tải điện đi xa vì tốn kém tiền xây đường dây, trạm biến áp, tổn thất điện năng lớn. Xưa nay chúng ta phải truyền tải qua đường dây 500kV vì nội vùng không đủ cung cấp. Miền Bắc thừa điện, miền Nam thiếu điện. Giờ đây, tình hình đã khác nên phải chuyển sang chiến lược mới. Có thể 3 mạch đường dây 500kV đáp ứng được việc truyền tải liên miền rồi. Như thế, việc cân đối vùng miền là hoàn toàn có lý, vấn đề phải dựa trên cơ sở tính toán.

“Về nguyên tắc, hệ thống điện tự cân đối được giữa nguồn và phụ tải là tối ưu”, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền tải khác chia sẻ. “Lúc đó, đường dây truyền tải chỉ mang tính liên kết dự phòng giữa các miền. Hiệu quả là không phải truyền tải điện năng đi xa, giảm được tổn thất”.

Theo vị này, sở dĩ lưới truyền tải điện của Việt Nam luôn căng thẳng vì phân bổ nguồn không đồng đều giữa các vùng miền.

Hạn chế đầu tư đường truyền tải liên miền mới. Ảnh: Lương Bằng

Miền Bắc thêm nhà máy, làm điện ở miền Trung - Tây Nguyên lưu ý

Thực tế, hệ thống điện Việt Nam những năm gần đây có sự khác biệt đáng kể so với trước. Thay vì truyền tải từ Bắc vào Nam như trước, nhiều thời điểm đã truyền tải ngược từ Nam ra Bắc. Vì thế, để cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền thì miền Bắc sẽ phải đầu tư thêm nhiều nhà máy điện, bao gồm nhiệt điện than và nhiệt điện khí.

Điều này đúng như Viện Năng lượng đã dự báo trong Đề án quy hoạch điện 8. Đó là do nhu cầu điện miền Bắc có tốc độ tăng cao hơn miền Nam, nên sau năm 2035 nhu cầu điện của miền Bắc sẽ vượt miền Nam. Trong khi các dự án nguồn điện đăng ký xây dựng ở miền Bắc không nhiều, vị trí tiềm năng xây dựng nguồn nhiệt điện hạn chế vì biển miền Bắc khá nông và không có nhiều vị trí xây cảng nước sâu; tiềm năng điện gió và mặt trời ở miền Bắc không lớn.

Theo Viện Năng lượng, các trung tâm tiêu thụ điện lớn như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ lại không có nhiều tiềm năng năng lượng sơ cấp, còn các vùng tiêu thụ điện thấp như Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ lại tập trung nhiều nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo).

Như vậy, khu vực Bắc Bộ sẽ bắt đầu phải nhận điện từ hệ thống điện Bắc Trung Bộ và miền Trung từ năm 2023. Vì vậy, Viện Năng lượng khuyến nghị các dự án cung cấp điện cho miền Bắc nên được ưu tiên phát triển trong giai đoạn tới.

Vì lý do đó, Bộ Công Thương cũng cho biết: Một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung thêm cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền, trong khi một số loại hình nguồn điện tại miền Trung và miền Nam đã được xem xét, đẩy lùi giai đoạn phát triển nhằm hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.

Đây là lý do khiến các nhà đầu tư năng lượng tái tạo phải lo ngại, trong đó có các dự án điện gió ngoài khơi.

Tuy nhiên, trước mắt việc truyền tải liên miền vẫn đóng vai trò quan trọng để cung cấp điện từ nơi thừa cho nơi thiếu. Theo tính toán của Viện Năng lượng, đến năm 2025, các tỉnh Bắc Bộ nhận hỗ trợ khoảng 11 tỷ kWH, trong đó 4,4 tỷ kWh từ Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; 6,6 tỷ kWh từ Bắc Trung Bộ. Nam Bộ nhận thuần 43,5 tỷ từ Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, không truyền tải theo chiều ngược lại.

Dù thế nào, tư duy tại dự thảo quy hoạch điện 8 là điều nhiều nhà đầu tư cần lưu ý, nhất là các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, tránh tình trạng đổ xô đầu tư vào một khu vực để rồi không bán được điện. Cơ quan quản lý cũng cần tuân thủ nguyên tắc đã đề ra, tránh tình trạng cho phép đầu tư ồ ạt, không theo quy hoạch, rồi ứ thừa như đã và đang xảy ra ở một số thời điểm.

Theo baomoi.com

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
1900252527