FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á

05:30 26/11/2018
FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á

 

Trong một khu vực luôn khát năng lượng, năng lượng tái tạo giống như một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa cung cấp năng lượng cần thiết và không làm ô nhiễm môi trường

“Chúng ta có 1 cái lò phản ứng nhiệt hạch tiện dụng ngay trên đầu gọi là mặt trời. Bạn không phải làm gì hết. Nó cứ tự hoạt động. Nó xuất hiện hằng ngày và sản sinh ra một nguồn năng lượng khổng lồ”

Đây là nhận xét Elon Musk về tiềm năng của điện mặt trời. Trong những năm qua, thế giới đã chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trong phát triển năng lượng toàn cầu, từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và các nước Đông Nam Á cũng không nằm ngoài cuộc.

Trong một khu vực luôn khát năng lượng, năng lượng tái tạo giống như một mũi tên bắn trúng hai đích: vừa cung cấp năng lượng cần thiết vừa không gây ô nhiễm môi trường. Các nước ASEAN đã đặt mục tiêu sản xuất 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 và để đạt mục đích này, năng lượng mặt trời sẽ đóng một vai trò rất lớn.

Năng lượng mặt trời là ưu tiên hàng đầu của các nước Đông Nam Á

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 1

 

Mức bức xạ mặt trời hàng năm trong khu vực Đông Nam Á dao động từ 1.460 đến 1.900 kWh/m/năm. Chính vì thế, triển vọng phát triển điện mặt trời ở khu vực này là rất lớn.  

Nếu như trước đây, điện mặt trời được coi là khá đắt đỏ và chỉ phù hợp với các quốc gia phát triển thì nay, điều này đã trở thành quá khứ. Sự phát triển trong nghiên cứu năng lượng tái tạo đã biến điện mặt trời thành một miếng bánh có khả năng sinh lời và đây trở thành một lựa chọn khả thi cho các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình ở Đông Nam Á.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 2

Những lý do khiến điện mặt trời trở thành lựa chọn hàng đầu ở Đông Nam Á trước hết là vì nó thân thiện với môi trường và những hiệu quả kinh tế mà nó đem lại. Trước đây, có quan niệm sai lầm phổ biến rằng năng lượng mặt trời đắt hơn so với các nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Tuy nhiên, ở mức cơ bản nhất, lợi nhuận của các dự án năng lượng mặt trời nằm ở nguồn cung cấp nhiên liệu.

Năng lượng từ mặt trời luôn ổn định và không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả như nhiên liệu hóa thạch. Sự dao động giá than và khí tự nhiên toàn cầu đồng nghĩa với chi phí vận hành của nhà máy điện sẽ thay đổi. Trường hợp giá nhiên liệu tăng lên sẽ kéo theo chi phí sản xuất và biến động này sẽ được chuyển vào hóa đơn của người tiêu dùng. Giá điện có thể dễ dàng tăng vọt trong bất kỳ thị trường nào phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để phát điện.

FiT (feed-in-tariff) là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống. 

Hiểu ngắn gọn là FiT là các mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện.

 

Ngoài ra, giá cả tấm pin năng lượng mặt trời ngày càng giảm và chi phí lắp đặt cũng đang trở nên rẻ hơn là những tín hiệu rõ ràng cho thấy khả năng cạnh tranh của năng lượng mặt trời so với năng lượng hóa thạch. Theo Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), chi phí điện bình quân (LCOE) của các dự án năng lượng mặt trời là 22 cent/ kWh, và tại các quốc gia có mức chiếu xạ tốt - như ở Đông Nam Á, tỷ lệ này cũng có thể thấp hơn nhiều. Mức giá thấp như vậy là một điều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Trong khi đó, ở cấp độ người tiêu dùng, những người có hệ thống năng lượng mặt trời nối lưới có thể thu được lợi từ việc cung cấp điện năng cho lưới điện thông qua các chương trình thuế suất ưu đãi (FiT) và với mức LCOE thấp hơn. Người tiêu dùng sẽ chỉ phải chịu chi phí phát sinh trong trường hợp xảy ra gián đoạn, tuy nhiên chi phí này có thể được hạn chế nhờ các hệ thống lưu trữ điện. 

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 3

So sánh giữa điện mặt trời và nhiệt điện than đá.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng các trang trại điện mặt trời và nguy cơ rủi ro cũng thấp hơn rất nhiều lần so với các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Việc quản lý, vận hành các trang trại năng lượng mặt trời cũng đơn giản hơn nên nó cũng cung cấp cơ hội việc làm đáng kể cho những lao động với kỹ năng thấp, đặc biệt là ở nông thôn.

Rủi ro môi trường liên quan đến việc sử dụng năng lượng mặt trời cũng không đáng kể so với năng lượng nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Mặc dù những người phản đối điện mặt trời đã chỉ ra rằng, việc khai thác silicone dioxide - thành phần chính của tấm pin năng lượng mặt trời có ảnh hưởng bất lợi đến môi trường. Cùng với đó, việc xử lý những tấm pin quang điện vẫn là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, tất yếu sẽ có nhiều cách rẻ tiền và thân thiện với môi trường để phát triển cũng như tái chế các tấm pin quang điện.  

Chính sách phát triển điện mặt trời của một số nước Đông Nam Á

Singapore: Ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh

Năm 2015, công suất lắp đặt điện mặt trời ở Singapore đã đạt gần 60 MWp và tăng gấp đôi vào cuối năm 2016 lên 126 MWp. Quốc đảo sư tử dự kiến sẽ hoàn thành công suất lắp đặt 350 MWp  điện mặt trời vào năm 2020.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 4

Chương trình SolarNova của chính phủ Singapore.

Singapore đã đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và đổi mới về năng lượng bền vững. Vào năm 2016, quốc gia này đã công bố tài trợ hơn 700 triệu đô la Mỹ cho các chương trình R&D trong khu vực công trong 5 năm tới nhằm tìm ra giải pháp cho bền vững cho đô thị. Nguồn kinh phí này dự kiến sẽ tăng cường năng lực đổi mới của Singapore trong các lĩnh vực như năng lượng sạch, lưới điện thông minh và dự trữ năng lượng. Hiện, nước này đang thử nghiệm xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời trong đô thị và các trạm điện mặt trời nổi trên các hồ chứa, cũng như vận hành thử nghiệm một hệ thống lưới điện lưu trữ thu nhỏ khi các nguồn năng lượng tái tạo bị gián đoạn.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 5

Những tấm pin năng lượng mặt trời dọc vịnh Marina, Singapore.

Thay vì trợ cấp trực tiếp để thúc đẩy các dự án điện mặt trời, Singapore cung cấp các mức thuế cạnh tranh và ưu tiên phát triển thị trường buôn bán điện cạnh tranh với mục tiêu tự do hoá thị trường này vào năm 2018. Theo đó, tất cả người tiêu dùng, trong đó có các hộ gia đình sẽ có quyền lựa chọn nhà cung cấp điện cho mình.

Người tiêu dùng sử dụng cả điện mặt trời và điện lưới quốc gia sẽ được phép nhận "thanh toán ròng" của từng phần năng lượng, tức là người tiêu dùng sẽ vừa trả phí cho mức điện mà họ tiêu thụ vừa được nhận tiền phí cho lượng điện họ sản xuất từ hệ thống điện mặt trời. Giá năng lượng trung bình vào tháng 6 năm 2017 tại quốc gia này là khoảng 61 USD/1MWh.

Malaysia: Cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net) bổ sung cho FiT

Chính sách tổng thể của Malaysia về phát triển năng lượng sạch đã tạo ra nền tảng vững chắc cho việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo. Chính sách về năng lượng mặt trời được quy định trong Đạo luật năng lượng tái tạo năm 2011 và được sửa đổi năm 2014 nhằm phù hợp với sự thay đổi của thị trường cũng như việc giảm giá các tấm pin năng lượng.

Ngoài ra, cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) đã được đưa ra vào năm 2016 với mục tiêu đạt 500 MW điện mặt trời vào năm 2020 tại bán đảo Malaysia và Sabah. Theo đó, người tiêu dùng chỉ tốn 1m2 lắp đặt là có thể tạo ra điện năng cho gia đình và bán năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia. Nhờ các chính sách hỗ trợ về giá, công suất lắp đặt pin mặt trời tại Malaysia cho đến nay là 338 MW, quốc gia này đặt mục tiêu 1.356 MW vào năm 2020. FiT cơ bản vào năm 2017 là 12,17 cent/ kWh cùng một khoản tiền thưởng tiềm năng lên đến 8,06 cent/ kWh.

Luật tái tạo năng lượng mới ở Indonesia

Việc thông qua luật năng lượng mặt trời ở Indonesia diễn ra tương đối chậm. Hiện tại, chỉ có 27 MW điện mặt trời được lắp đặt tại quốc gia vạn đảo với phần lớn là từ các nhà máy điện do nhà nước bảo trợ, phần còn lại là các công trình nhỏ và các hệ thống mái nhà. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế gần đây hứa hẹn về triển vọng của các dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn trong tương lai.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 6

Điện mặt trời chỉ chiếm 0,55 % trong tổng công suất điện ở Indonesia.

Đầu năm 2017, Indonesia đã thông qua luật về năng lượng tái tạo, trong đó thay đổi mức thuế suất đối với các dự án năng lượng tái tạo. Theo luật mới, mức hỗ trợ FiT sẽ dựa trên chi phí cung cấp điện trung bình của khu vực, nơi dự án điện năng lượng mới được xây dựng. Mức hỗ trợ theo chương trình mới là từ 6,5 đến 11,6 cent/kWh. FiT cũng được ấn định trong suốt thời hạn của hợp đồng mua bán điện PPA mà không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi tỷ giá ngoại hối hay lạm phát.

Luật mới cho phép điện mặt trời cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy nhiệt điện đốt than - hình thức sản xuất điện năng phổ biến ở Indonesia. Cơ chế thanh toán bù trừ (Metering Net) dành cho hộ gia đình, thương mại sử dụng năng lượng mặt trời trên mái nhà cũng được thông qua vào năm 2013, bắt buộc Tập đoàn điện lực quốc gia Indonesia PLN phải trả khoản năng lượng dư thừa được sản xuất bởi năng lượng mặt trời vào tài khoản của khách hàng. Với những chính sách này, Indonesia kỳ vọng sẽ bổ sung thêm 870 MW điện mặt trời vào năm 2024.

Thái Lan: Người “khổng lồ” về năng lượng mặt trời trong khu vực

Thái Lan là nước sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Công suất năng lượng mặt trời đã tăng từ 1.299 MW trong năm 2014 lên 2.021 MW vào năm 2015, và hơn 2.800 MW vào cuối năm 2016, cao hơn tất cả các nước Đông Nam Á khác cộng lại. Dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời tại đất nước chùa Vàng năm 2036 là 6.000 MW.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 7

Solar Lampang - cánh đồng năng lượng mặt trời lớn nhất Thái Lan.

Năm 2006 Thái Lan là nước đầu tiên trong khối ASEAN áp dụng biểu giá FiT cho năng lượng tái tạo, trong đó các dự án năng lượng mặt trời nhận được FiT cao nhất, với mức 23 cent/kWh cho 10 năm. Sau đó, chương trình này được thay thế bằng chương trình FiT 25 năm với giá 17 đến 20 cent /kWh tùy thuộc vào loại máy phát điện. Năm 2014, với việc giá thành tấm pin năng lượng mặt trời giảm xuống, chính phủ đã giảm giá FiT xuống còn 12 US cent/kWh với tất cả các hợp đồng có thời hạn 25 năm.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đưa ra những mức giá rất hấp dẫn cho các dự án năng lượng mặt trời nhỏ hơn. Bằng cách đưa ra các mức hỗ trợ FiT cao nhất cho các nhà sản xuất nhỏ nhất, chính phủ thúc đẩy cộng đồng sử dụng năng lượng xanh và các dự án quy mô nhỏ trên mái nhà. Chính phủ cũng đưa ra mức giá FiT ưu đãi 21 cent/kWh cho các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, đồng thời khởi xướng chương trình “Mái nhà quang điện”. Đây chính là lý do khiến Thái Lan trở thành người dẫn đầu trong thị trường điện mặt trời ở Đông Nam Á.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 8

Thái Lan và Philippines là hai quốc gia đi đầu trong phát triển năng lượng mặt trời ở Đông Nam Á.

Philipine trải nghiệm FiT

Chương trình FiT đã thúc đẩy sự phát triển năng lượng mặt trời ở Philipine lên tầm cao mới. Các quy định về cơ chế thanh toán bù trừ và các tiêu chuẩn kết nối có hiệu lực vào tháng 7 năm 2013 đã làm gia tăng các dự án điện mặt trời cỡ nhỏ tại Philippine.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 9

Cánh đồng năng lượng mặt trời ở quần đảo Calatagan, Philippines. 

Công suất lắp đặt điện mặt trời là 62 MW vào năm 2014. Với FiT là 21 cent/ kWh, sáu dự án đã được thông qua, đưa công suất điện mặt trời lên 108 MW vào năm 2015. Năm 2016, mức giá FiT điều chỉnh xuống còn 17 cent/ kWh (thời hạn 20 năm và tỷ lệ giảm thuế 0.6%). Kết thúc năm  2016 với công suất điện mặt trời lên tới 903 MW, và dự kiến sẽ đạt đến 3.000 MW vào năm 2022.

Thị trường năng lượng mặt trời “mới chào đời” tại Campuchia

Với chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu về thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, giá thành điện mặt trời tại Campuchia chỉ từ 2.500-3000 đồng/kWh, trong khi giá điện lưới ở nước này trung bình khoảng 4 ngàn đồng/kWh. Đây là nguyên nhân làm cho điện mặt trời phát triển mạnh ở đất nước Đông Nam Á này.

FiT: Chiến lược phát triển điện mặt trời của các nước Đông Nam Á - 10

Nhà máy năng lượng mặt trời tại Bavet.

Trong vài năm gần đây, rất nhiều công ty nước ngoài đã đầu tư vào lĩnh vực phát triển điện năng lượng mặt trời tại Campuchia. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và vốn tự đầu tư của người dân, đến nay Campuchia có tổng số 50 ngàn hệ thống điện mặt trời gia đình được lắp đặt. Do giá điện cao nên rất nhiều doanh nghiệp ở Campuchia đầu tư điện mặt trời để sử dụng bổ sung cùng với điện lưới. Có một số nhà đầu tư còn cung cấp dịch vụ thuê tấm pin mặt trời, đặc biệt là ở các khu công nghiệp. Hiện nay, Campuchia đang xây dựng một nhà máy điện mặt trời có công suất 10 MW tại đặc khu kinh tế Bavet.

Không đứng ngoài cuộc, Việt Nam, Lào, Myanmar và Brunei cũng đã tham gia vào thị trường nhộn nhịp này với những chính sách ưu đãi cho các dự án năng lượng mặt trời. Mặc dù vẫn còn tụt hậu so với các khu vực khác trên toàn cầu về năng lượng sạch, nhưng với chiến lược phát triển mới, mục tiêu sản xuất 23% năng lượng tái tạo vào năm 2025 của khu vực chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay.

N.H (Asian-power, The Asianpost)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
1900252527