EU và Mỹ áp thuế carbon - doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì?

01:46 12/08/2021
EU và Mỹ áp thuế carbon - doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì?

EU và Mỹ áp thuế carbon - doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị gì?

“Thuế carbon” là loại thuế đánh trên cơ sở lượng khí thải carbon tương đương phát ra trong quá trình sản xuất một đơn vị hàng hóa và các dịch vụ liên quan như chế biến, đóng gói và vận chuyển hay cả hoạt động logistics, đến tay người tiêu thụ. Có thể xem thuế carbon là một loại thuế phạt theo mức độ gây ô nhiễm, chủ yếu dựa vào nguyên tắc “Người gây ô nhiễm trả tiền (Polluter-Pays Principle - PPP)”.

Thuế là tất yếu

Ý tưởng đánh thuế carbon, hoặc đưa việc phát thải carbon vào giá thành sản xuất và dịch vụ, đã được nhiều đại biểu thảo luận tại COP15 năm 2015 theo khuôn khổ của Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu thỏa thuận các biện pháp giảm carbon dioxit từ năm 2020. Khái niệm kiểm soát carbon qua công cụ chế tài được phản ánh một phần trong Thỏa thuận Paris 2015 với sự phê duyệt của 195 quốc gia tham dự. Tuy nhiên đây là một bài toán khó về mặt chính trị cho những người ra quyết định ở cấp chính phủ.

Về mặt kỹ thuật, để thực hiện thuế carbon, chính phủ phải xác định chi phí bên ngoài cho mỗi tấn phát thải khí nhà kính. Điều này rất khó vì các nhà khoa học và nhà kinh tế trước tiên phải thống nhất về việc sử dụng các giả định nào. Việc xác định “dấu chân carbon” thực tế đôi khi phức tạp hơn nếu chỉ áp dụng các công thức ước tính đơn giản để tính mức thải carbon cho mỗi đơn vị sản phẩm.

Về định mức phát thải trong sản xuất liên quan đến năng lượng tiêu thụ, nếu không có những kiểm kê khí nhà kính chi tiết, thì nước nhập khẩu có thể tính dựa theo tỷ lệ phần trăm năng lượng chuyển hóa từ sử dụng điện do đốt nhiên liệu hóa thạch/tổng nguồn điện quốc gia. Nếu quốc gia nào có tỷ lệ điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao thì có nghĩa là mức thải carbon thấp. Điều này có thể có lợi thế khi phải trả mức thuế thấp hơn cho các món sản phẩm bán ra.

Nhóm Công tác liên ngành của Mỹ về chi phí carbon xã hội, đã ước tính phí carbon là 40 đô la Mỹ cho mỗi tấn phát thải. Nếu áp tính mức giá thuế carbon như vậy, giá khí đốt sẽ tăng thêm lên 36 cent/gallon và giá điện sẽ tăng thêm 0,02 đô la/kWh. Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cho thấy giá carbon trung bình tại 42 nền kinh tế lớn vào khoảng 35 đô la/tấn vào năm 2018.

Việc áp thuế carbon lên hàng hóa và dịch vụ sẽ làm giảm lượng phát thải khí nhà kính. Điều này sẽ thúc đẩy các cơ sở sản xuất và kinh doanh phải chuyển qua chọn lựa các nguồn năng lượng sạch. Thuế carbon cũng khiến các ngành công nghiệp chuyển đổi sản xuất, tìm ra những cách hiệu quả nhất để giảm lượng khí thải carbon.

Các chính phủ cũng bắt đầu nhận thấy thuế carbon có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc thu ngân sách tăng lên đáng kể. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính rằng thuế carbon bắt đầu từ 20 đô la/tấn và tăng lên 34,4 đô la/tấn trong 10 năm có thể huy động được 1.200 tỉ đô la cho ngân sách. Con số này ngang bằng với số tiền tăng bởi tất cả các loại thuế tiêu thụ đặc biệt khác. Vì lý do đó, ngay cả các công ty dầu mỏ như ExxonMobil, Shell và BP cũng ủng hộ thuế carbon.

Tuy vậy, việc đánh thuế carbon cũng có mặt trái: nhiên liệu hóa thạch trở nên đắt giá hơn, làm gia tăng gánh nặng cho những người có thu nhập thấp khi phải trả nhiều tiền hơn cho các nhu cầu thiết yếu như xăng, điện và thực phẩm. Vì lý do này, việc áp thuế carbon phải được áp dụng theo một lộ trình tăng thuế xăng 1%/năm sẽ giúp người tiêu dùng có thời gian chuyển sang các phương tiện tiết kiệm hơn. Số tiền thuế thu được có thể trích ra một phần để giúp các gia đình nghèo có cơ hội chuyển sang phương tiện ít phát thải khí nhà kính hơn.

Chính phủ Mỹ thấy sử dụng thuế carbon phải đi cùng với các giải pháp thay đổi khác. Khi giá xăng dầu tăng gấp đôi thì sử dụng năng lượng giảm xuống 29%. Nếu giá xăng 5-6 đô la/gallon, điều tra cho thấy khoảng 29% người sử dụng sẽ tìm các lựa chọn thay thế. Nhưng tăng giá nhiên liệu gấp bốn lần mức tiêu thụ năng lượng sẽ giảm 50%.

Hiện nay, xu thế chung của các quốc gia phát triển ở châu Âu và Mỹ là chấm dứt sự trợ giá than đá, xăng dầu và khí đốt. Chi phí trợ giá các nguồn năng lượng hóa thạch này lên 25 tỉ đô la/năm. Chính sách mới của các chính phủ là chuyển ngân sách qua trợ giá cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Theo Ngân hàng Thế giới (2018), có 40 quốc gia và 20 đô thị tự trị đã áp dụng thuế carbon hoặc buôn bán khí thải carbon liên quan 13% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu hàng năm. Sắp đến, 88 quốc gia dự định sử dụng thuế carbon để đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris liên quan đến 56% lượng khí thải toàn cầu.

Sức ép đối với hàng xuất khẩu Việt Nam

Hiện nay, các mặt hàng xuất nhập khẩu qua lại giữa Việt Nam và châu Âu hay Mỹ phần lớn là các thiết bị điện tử lắp ráp, phụ tùng máy móc, dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, sắt thép, hàng thủy sản, xơ sợi… Việc đánh thuế carbon các sản phẩm và hàng hóa này chưa đặt ra nhưng sẽ thực hiện trong vài ba năm tới khi số lượng các quốc áp dụng thuế carbon nhiều hơn và công cụ kiểm chứng carbon hoàn chỉnh hơn.

Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch áp dụng thuế carbon các mặt hàng nhập khẩu vào các nước EU vào năm 2023-2026. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh hàng hóa từ Việt Nam với các nước khác. Trước những thông tin này, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có những chuẩn bị và thay đổi dần. Mặc dù đây là một việc khó khăn nhưng cần có những chính sách phù hợp từ phía Chính phủ như phải giảm mạnh đầu tư công trình nhiệt điện và khuyến khích năng lượng tái tạo, song hành với sản xuất sạch hơn.

Nếu vẫn như dự thảo Quy hoạch Điện 8 giai đoạn 2021-2030, với mức tăng nhiệt điện than tới gần 17 GW cộng thêm tổng công suất điện than hiện có vào khoảng 20 GW thì các hàng hóa sản xuất có sử dụng nguồn điện than sẽ gặp nhiều rào cản và rủi ro thua thiệt khi bán ra nước ngoài.

Một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Samsung, Nike, Vinamilk, dường như đã nắm được vấn đề và có những bước chủ động như trực tiếp mua điện mặt trời, hoặc tự lắp các tấm quang năng. Tháng 4-2021, Samsung đã đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Samsung Việt Nam tham gia chương trình thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp) từ các dự án điện tái tạo của Việt Nam.

Dự kiến của Vinamilk là đến cuối năm 2021, triển khai trên tất cả 12 trang trại nuôi bò sữa cả nước hệ thống năng lượng mặt trời và hệ thống xử lý chất thải thành biogas như một phần trong chuỗi kinh tế tuần hoàn. Khi đó, họ có những “chứng chỉ xanh”, có thể hưởng nhẹ mức thuế carbon khi đưa hàng hóa vào các thị trường lớn như EU và Mỹ.

Nguồn: thesaigontimes.vn

 

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
1900252527