150 TỶ USD CHỐNG THIẾU ĐIỆN: TIỀN ĐÂU BÂY GIỜ?

11:35 05/12/2018
150 TỶ USD CHỐNG THIẾU ĐIỆN: TIỀN ĐÂU BÂY GIỜ?

 

Ngành điện đã đầu tư 80 tỷ USD vào phát điện, truyền tải và phân phối. Từ nay đến năm 2030 ngành điện sẽ cần huy động khoảng 150 tỷ USD nữa. Vốn đầu tư công, vốn vay ODA sẽ không đủ, nên nếu không huy động được tiền đầu tư cho ngành điện thì việc thiếu điện sẽ xảy ra.

Cần 150 tỷ USD đầu tư cho ngành điện

Tại Hội nghị của nhóm đối tác năng lượng Việt Nam ngày 26/11, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho hay: Yêu cầu về tài chính cần thiết cho ngành điện là vô cùng lớn.

Chỉ tính từ năm 2010, ngành điện đã đầu tư 80 tỷ USD vào phát điện, truyền tải và phân phối và từ nay đến năm 2030 sẽ cần huy động khoảng 150 tỷ USD nữa. Tuy nhiên, tiêu thụ điện của Việt Nam còn khá thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Ví dụ, tiêu thụ điện theo đầu người hiện nay vào khoảng 1.700 kilowatt giờ một năm -con số này chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc và bằng 1/5 so với Úc. Bởi nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và người dân ngày một khấm khá hơn, nhu cầu điện năng sẽ tăng mỗi năm khoảng 8% trong thập niên tới.

150 tỷ USD chống thiếu điện: Tiền đâu bây giờ?

Ngành điện cần lượng vốn đầu tư rất lớn

Trong khi đó, nhu cầu điện năng của Việt Nam thường tăng ở mức hai con số mỗi năm.

Con số đầu tư cho lĩnh vực điện đến 2030, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, chính xác là 148 tỷ USD. Làm thế nào huy động được lượng tiền khổng lồ này?

Vốn xuất thân từ ngành điện, từng giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nên ông An hiểu hơn ai hết áp lực này.

Ông An cho hay: Mục tiêu Việt Nam đặt ra là đến năm 2030, công suất các nhà máy điện đạt 130 ngàn MW điện. Từ giờ đến lúc đó cần thêm 84 ngàn MW mới đưa vào vận hành. Số liệu tính toán này là để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện hai con số. “Cần nguồn vốn rất lớn cho đầu tư phát triển dài hạn này”, ông An nhẩm tính.

Giải pháp có nhiều, nhưng việc đầu tiên được vị Thứ trưởng nhắc đến là phải đa dạng hóa đầu tư, trước đây chủ yếu dựa vào doanh nghiệp nhà nước như EVN, PVN, TKV thì nay việc thu hút tư nhân trong và ngoài nước tham gia là rất quan trọng.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Kể cả vốn ODA lẫn đầu tư công cũng không đủ nhu cầu cho lĩnh vực điện. Tiền đâu bây giờ? Tiền đến từ khu vực tư nhân, từ thương mại, từ việc đa dạng hóa nguồn tài chính.

Ông Ousmane Dione nhắc đến việc hỗ trợ Tập đoàn Điện lực Việt Nam để được đánh giá xếp hạng tín nhiệm. EVN được đánh giá uy tín ở mức B+, mức rất cao. Điều này giúp EVN có thể phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài để huy động vốn.

Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng An cũng lưu ý, tăng cường đáp ứng nguồn cung là quan trọng, nhưng việc kiểm soát cầu cũng lại bức thiết không kém. Vì thế, tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả hơn là điều tối quan trọng.

“Sắp tới không phải chỉ khuyến khích tiết kiệm mà cần bắt buộc. Bắt buộc thì phải có chế tài, chế tài phải đủ mạnh”, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh. “Kèm theo đó, những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng sắp tới phải được chuyển đổi sang những ngành tiêu thụ ít năng lượng. Các thiết bị sản xuất cũng phải được chuẩn hóa trên tinh thần tiêu thụ năng lượng thấp hơn. Đơn cử bóng đèn trước đây 40 W trở lên nay dùng đèn LED tiêu thụ điện chỉ 3W-5W dù chi phí ban đầu cao hơn”.

“Bằng cách như vậy, tăng cung và khống chế cầu hợp lý thì mới có thể lo được vốn”, ông Đặng Hoàng An nói.

150 tỷ USD chống thiếu điện: Tiền đâu bây giờ?

Nhiệt điện nếu kiểm soát tốt, công nghệ tốt sẽ hạn chế được ô nhiễm

“Không nên cực đoan với nhiệt điện than”

Kiếm gần 150 tỷ USD đầu tư cho ngành điện đã khó, việc đầu tư vào đâu cũng không dễ. Trong số các nguồn điện như nhiệt điện, thủy điện, điện gió, điện mặt trời,... ưu tiên cho loại nào?

Trong bài phát biểu tại Hội nghị của nhóm đối tác năng lượng Việt Nam, ông Bruno Angelet - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam - liên tục đưa ra những chỉ trích về nhiệt điện than.

Theo ông Bruno, giá điện than không rẻ chút nào nếu tính thêm các chi phí bên ngoài như chi phí bao cấp phát triển cơ sở hạ tầng như khi nhà nước hỗ trợ công ty than xây dựng đường hoặc nhà máy điện, chi phí tổn tại về sức khỏe công nhân...

Đại sứ Liên minh châu Âu tỏ ra nhiệt tình với việc thúc đẩy Việt Nam sử dụng năng lượng tái tạo mà ông gọi là chuyển từ các nguồn điện “nâu” sang “xanh”.

Song, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng: Nhiệt điện than hay nguồn nào cũng cần tính toán trên cơ sở nguồn dự trữ quốc gia. Việt Nam từng là quốc gia xuất khẩu năng lượng, sắp tới lại thành quốc gia nhập khẩu năng lượng. Cho nên, việc tìm ra cấu hình tối ưu cho các nguồn điện khác nhau, gồm thủy điện, nhiệt điện, tuabin khí, và năng lượng tái tạo là rất quan trọng.

Theo ông An, cứ nói nguồn nào nguy cơ ô nhiễm thì từ chối là rất nguy hiểm, tác động ngay đến an ninh năng lượng. Bởi, khi có sự đầu tư hợp lý, công nghệ tốt thì nhiệt điện than có thể ít ảnh hưởng đến môi trường. “Với công nghệ mới nhất, chúng ta hoàn toàn làm được”, ông An khẳng định.

Ông An nói thêm Việt Nam hiện vượt xa các nước ASEAN về tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn quốc, trong đó thủy điện chiếm 36%, cá biệt có năm thủy văn thuận lợi lên đến 40%.

“Không nên cực đoan, chúng ta phải tính toán tỷ lệ tối ưu cho đất nước đế cân đối các loại hình năng lượng sơ cấp. Không có một cơ cấu năng lượng nào phụ thuộc nhiều vào năng lượng tái tạo, bởi năng lượng tái tạo lại phụ thuộc vào thời tiết như gió, bức xạ mặt trời", ông Đặng Hoàng An chia sẻ.

(Trích nguồn báo Vietnamnet)

Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi cho chúng tôi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
1900252527